Tình hình khách quan mà chúng tôi vừa mô tả, đã phát sinh ra từ một hòa ước cực kỳ nặng nề và không bền vững, từ một tình trạng suy sụp về kinh tế ghê gớm nhất, từ nạn thất nghiệp và nạn đói kém, tức là tất cả những cái mà chiến tranh và sự thống trị của giai cấp tư sản (sự thống trị mà đại diện là Kê-ren-xki và bọn men-sê-vích cùng bọn xã hội chủ nghĩa - cách mạng cánh hữu đã ủng hộ hắn) đã để lại cho chúng ta, - tình hình khách quan ấy tất nhiên đã làm cho đông đảo quần chúng lao động mệt mỏi hết sức, thậm chí kiệt quệ sức lực. Những quần chúng đó kiên quyết đòi hỏi - và không thể không đòi hỏi - phải có một thời gian nghỉ ngơi. Việc phục hồi lực lượng sản xuất bị chiến tranh và sự thống trị của giai cấp tư sản tàn phá; việc hàn gắn những vết thương do chiến tranh, do sự thất bại trong chiến tranh, do nạn đầu cơ và những mưu toan của giai cấp tư sản muốn khôi phục chính quyền đã bị lật đổ của bọn bóc lột, gây ra; việc đẩy mạnh phát triển kinh tế trong nước; việc giữ vững một trật tự tối thiểu, - tất cả những công việc đó đang được đặt ra trước mắt. Điều sau đây có thể có vẻ như là ngược đời, nhưng trong thực tế, do những điều kiện khách quan mà chúng tôi vừa nêu ra trên đây, lại hoàn toàn chắc chắn là Chính quyền xô-viết hiện giờ chỉ có thể đảm bảo vững chắc cho nước Nga chuyển lên chủ nghĩa xã hội, nếu chính quyền đó, bất chấp sự phản kháng của giai cấp tư sản, của bọn men-sê-vích và bọn xã hội chủ nghĩa - cách mạng cánh hữu, giải quyết được trên thực tiễn chính những nhiệm vụ hết sức sơ thiểu và sơ thiểu nhất đó, nhằm bảo toàn cơ sở của xã hội. Ngày nay, do những đặc điểm cụ thể của tình hình hiện tại và cũng do sự tồn tại của Chính quyền xô-viết, với những đạo luật của nó về việc xã hội hóa ruộng đất và về quyền kiểm soát của công nhân, v.v., nên việc giải quyết, trong thực tiễn, những nhiệm vụ tối sơ thiểu đó và việc khắc phục những khó khăn về tổ chức trong những bước đầu tiến lên chủ nghĩa xã hội, - là hai mặt của cùng một vấn đề.
Hãy tính toán tiền nong cho cẩn thận và thành thực, hãy chi tiêu tiết kiệm, đừng lười biếng, đừng tham ô, hãy triệt để tuân theo kỷ luật trong lao động - chính những khẩu hiệu này trước đây đã bị những người vô sản cách mạng chế giễu một cách có lý, khi giai cấp tư sản dùng những luận điệu đó để che đậy sự thống trị của nó, của giai cấp bóc lột, thì ngày nay, sau khi giai cấp tư sản bị lật đổ rồi, đã lại trở thành những khẩu hiệu chủ yếu trước mắt. Một mặt, việc quần chúng lao động áp dụng trong thực tiễn những khẳu hiệu ấy, là điều kiện duy nhất để cứu nước nhà đã bị cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa và bọn đế quốc tham tàn (đứng đầu là Kê-ren-xki) tàn phá một cách khủng khiếp; mặt khác, việc Chính quyền xô-viết dùng những phương pháp của mình và căn cứ vào những luật lệ của mình để áp dụng trong thực tiễn những khẩu hiệu ấy, là điều kiện cần thiết và đầy đủ để cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi triệt để. Đó chính là điều không thể nào hiểu được đối với những kẻ đã ngoảnh mặt làm lơ một cách khinh bỉ khi người ta nói với họ là phải đặt những khẩu hiệu hết sức "cũ kỹ" và "tầm thường" ấy lên hàng đầu. Trong một nước tiểu nông như nước ta, một nước vừa mới lật đổ chế độ Nga hoàng được một năm, và vừa mới thoát khỏi bọn Kê-ren-xki chưa đầy sáu tháng nay, thì cố nhiên là vẫn còn không ít chủ nghĩa vô chính phủ tự phát, chủ nghĩa này bị trầm trọng thêm do tình trạng tàn nhẫn và dã man nảy sinh ra trong mọi cuộc chiến tranh phản động và kéo dài; và cũng có không ít tâm trạng thất vọng hoặc phẫn nộ không duyên cớ; nếu cộng thêm vào đó chính sách khiêu khích của bọn đầy tớ của giai cấp tư sản (bọn men-sê-vích, bọn xã hội chủ nghĩa - cách mạng cánh hữu và những bọn khác), thì người ta sẽ hoàn toàn hiểu được rằng những phần tử ưu tú và giác ngộ nhất trong công nhân và nông dân cần phải cố gắng bển bỉ và dẻo dai đến mức nào mới có thể làm chuyển biến hẳn được tâm trạng của quần chúng và giúp họ bước sang một cuộc lao động đều đặn, có trật tự và có kỷ luật. Chỉ khi nào quần chúng nghèo khổ (vô sản và nửa vô sản) đã đi đến một sự biến chuyển như thế, thì chúng ta mới chiến thắng được hoàn toàn giai cấp tư sản và nhất là giai cấp tư sản nông dân là giai cấp tư sản ngoan cố nhất và đông đảo nhất.
[Chương trước] [Mục lục] [Chương tiếp theo]